Đầu tiên, các bậc cha mẹ Do Thái sẽ liệt kê một danh sách các công việc lặt vặt trong gia đình và quy định một mức thù lao nhất định cho từng công việc đó. Khi hoàn thành một công việc nào đó, trẻ sẽ nhận được số tiền thù lao như quy định và có thể tự do sử dụng khoản tiền đó của mình.
Có lẽ nhiều bà mẹ Việt sẽ không đồng tình với quan điểm trên vì nghĩ rằng con cái giúp cha mẹ làm việc nhà đó là việc đương nhiên không cần phải trả tiền cho chúng. Hoặc thậm chí có những bà mẹ vì thương con hay sợ con làm hỏng việc nên sẽ thay con làm toàn bộ cho dù bản thân mình rất mệt mỏi. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ Do Thái lại nghĩ tới điều quan trọng hơn trong biện pháp giáo dục này là để rèn luyện cho con những khả năng cơ bản và cần thiết như: cách tự quản lý tài sản, biết tự lo liệu, khả năng hợp tác và sinh tồn…
Khi Sara mới trở lại Israel, để khắc phục khó khăn trong cuộc sống cô đã từng đi bán nem do mình tự làm. Các con của Sara cũng phải hỗ trợ cô bán hàng, mỗi đứa sẽ căn cứ vào tỉ lệ đã quy định mà nhận được số tiền thù lao tương ứng của mình. Ban đầu chúng cảm thấy ngượng ngùng và xấu hổ khi phải làm công việc đó, nhưng lâu dần chúng có thể đi tới những gia đình khác một cách tự nhiên để bán hàng. Không những vậy, thông qua việc giao tiếp với người lạ và tham gia các buổi gặp gỡ bạn bè, chúng càng bán được nhiều hàng hơn và không còn e thẹn xấu hổ như trước.
Thông qua đó, những đứa trẻ nhà Sara không chỉ rèn luyện được khả năng xã giao, mà còn biết thu thập được thông tin, nghiên cứu thêm thị trường, từ đó thay đổi hương vị sản phẩm để ngày càng đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Người Israel cho rằng, khả năng quản lý không phải được bồi dưỡng từ trường lớp, mà gia đình mới là nơi tốt nhất để giúp trẻ phát triển năng lực quản lý như một CEO.
Một trong những cách dạy con quản lý tài chính hiệu quả của người Do Thái là “quy tắc 5 chiếc lọ” : Mỗi lọ có một khe hở trên nắp và dán nhãn rõ ràng, bao gồm chi tiêu hàng ngày, từ thiện, tiết kiệm, đầu tư, và đóng thuế.
Mỗi lần, cha mẹ sẽ đưa cho con 10 shekel (tiền Israel). Trẻ được yêu cầu bỏ tiền vào lọ thuế, lọ từ thiện và lọ tiết kiệm 1 đồng, lọ đầu tư 2 đồng và còn lại 5 đồng cho lọ chi tiêu.
Sau đó, trẻ sẽ được mở lọ từ thiện để lấy tiền giúp đỡ người khác vào những ngày cuối tuần. Lọ thuế được mở khi hết tháng. Trẻ chỉ được lấy tiền ở lọ tiết kiệm khi có dịp đặc biệt như ai đó trong gia đình bị ốm. Còn lọ đầu tư chỉ mở khi đã đầy.
Cũng nhờ phương pháp kể trên, trẻ em Do Thái luôn có ý thức trách nhiệm cao, tự quản lý chi tiêu tài chính của mình ngay cả khi còn nhỏ, luôn hài lòng trong mọi việc và khả năng thành công cũng lớn hơn.
Không chỉ dạy con kỹ năng quản lý tài chính hiệu quả, bà mẹ Do Thái này còn để cho con tự lập trong các vấn đề khác của cuộc sống.
Ví dụ, có một lần khi các con của Sara tham gia một buổi cắm trại ở trường. Với thói quen khi còn ở Thượng Hải, cô muốn tự tay giúp con chuẩn bị những đồ dùng cần thiết. Tuy nhiên, nhớ tới lời khuyên nhủ của cô hàng xóm, Sara đã quyết định để con tự chuẩn bị đồ, còn bản thân cô thì đi theo giám sát. Việc này không hề khiến con cô giận dỗi mẹ, mà ngược lại, lại khiến chúng có thể tự lo liệu được những nhu yếu phẩm cần thiết của bản thân và khiến chúng càng trở nên hào hứng với buổi cắm trại hơn
Là một bà mẹ lý trí, hãy biết lùi một bước để con có thể độc lập đối diện với khó khăn và thử thách. Có như vậy chúng mới có cơ hội rèn luyện khả năng tự lập và tự biết cách vỗ cánh bay cao bay xa.
Ở thí nghiệm với bầy sâu của khoa học gia người Pháp và ở phương pháp dạy con tự quản lý tài chính của bà mẹ Do Thái, ta thấy có chút khác biệt ở ý nghĩa và mục đích được đưa ra. Tuy nhiên suy nghĩ sâu hơn ta lại thấy được chúng có mối liên hệ thật sâu sắc. Vậy suy nghĩ độc lập của con người được nêu ra ở thí nghiệm của khoa học gia người Pháp và phương pháp dạy con tự lập tài chính của bà mẹ Do Thái có mối liên hệ với nhau như thế nào? Khả năng tự lập có nghĩa là chúng ta có năng lực tự xây dựng cuộc sống cho chính mình, không ỷ lại, không nhờ vả, dựa dẫm vào người khác. Muốn có được tính tự lập thì trước hết ta phải có suy nghĩ độc lập để tìm ra hướng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Ví dụ như khi ta tìm tòi học hỏi về một bài học nào đó nhưng lại không có thầy cô, bạn bè hay cha mẹ giúp sức thì bản thân ta phải tự mình kiên nhẫn tìm tòi, độc lập trong suy nghĩ để tìm ra hướng giải quyết. Từ đó đã tạo cho chúng ta hứng thú trong học tập và giúp ta nhận ra được năng lực tiềm ẩn của bản thân.
Độc lập và tự lập cũng đồng nghĩa với việc không sợ thất bại, gian truân, khi vấp ngã ta cần đứng lên một cách tự tin và bằng sự quyết tâm cao độ hơn nữa. Trong ngôn ngữ phương Tây có hai cụm từ rất hay thể hiện sự tự tin, tính độc lập trong suy nghĩ và dẫn tới thành công mà hẳn một vài trong chúng ta cũng có thể đã từng biết: “ I can do it” và “Yes, I did it”
Sara Imas là hậu duệ của những người Do Thái đã đến định cư lâu đời tại Thượng Hải – Trung Quốc. Ở đây, tình yêu của các bậc cha mẹ Trung Quốc dành cho con cái không hề kém các bậc cha mẹ Do Thái. Tuy nhiên, cách giáo dục của họ chú trọng vào mặt bao bọc và che chở đồng thời đáp ứng mọi nhu cầu của con. Còn các bậc cha mẹ Do Thái thì ngược lại, họ tập trung giáo dục con tự lập, trách nhiệm, từ chối sự thỏa mãn và có làm có hưởng.
Vì thế, là những bậc cha mẹ Việt thông thái và yêu thương con bằng lý trí , chúng ta cần bồi dưỡng khả năng tư duy rộng mở, linh hoạt, nhanh nhạy cho con để khơi dậy được trí tuệ của con. Vậy, cha mẹ cần bồi dưỡng khả năng suy nghĩ độc lập cho con như thế nào?
Tích cực dẫn dắt con suy nghĩ độc lập là phương pháp chủ yếu để giúp con nhận thức và giải quyết vấn đề.
Rất nhiều trẻ khi gặp vấn đề nan giải thường hy vọng cha mẹ cho mình đáp án. Nếu cha mẹ trả lời ngay, mặc dù giải quyết được vấn đề lúc đó của trẻ nhưng xét về lâu dài, con sẽ hình thành thói quen ỷ lại vào cha mẹ. Khi con gặp vấn đề sẽ không suy nghĩ độc lập, không tự tìm đáp án, điều đó tất nhiên là không có lợi cho sự phát triển của con.
Mỗi cha mẹ hãy khích lệ để con có suy nghĩ độc lập, dẫn dắt con suy nghĩ, phân tích, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm mà mình có để tự tìm đáp án. Cha mẹ hãy gợi mở cho con những ý tưởng, cho con thỏa sức khám phá, thử nghiệm, để con có thể bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình từ đó con sẽ khám phá được năng lực tư duy sáng tạo và niềm đam mê bất tận của mình trong các lĩnh vực của cuộc sống.